Vì sao không nên dự đoán thị trường ?
Hàng ngày khi lướt qua các trang báo tài chính, các diễn đàn, hội nhóm chứng khoán, báo cáo phân tích các công ty chứng khoán, cái đập vào mắt nhà đầu tư nhiều nhất có lẽ là các nhận định và dự báo về thị trường sẽ diễn biến trong tương lai như thế nào. Chưa bàn đến yếu tố đúng sai, việc suy đoán và đưa ra dự báo về thị trường lại là công việc chiếm phần thời gian và ảnh hưởng quan trọng đến quyết định đầu tư của mỗi chúng ta.
Không thể phủ nhận rằng một xu hướng đi lên của thị trường sẽ có tác động tích cực hơn đến xu hướng của cổ phiếu. Và ngược lại, trong một xu hướng đi xuống của thị trường thì xu hướng của cổ phiếu sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều. Tuy nhiên đó là những giai đoạn thị trường biến động đủ mạnh để có thể tác động đến giá cổ phiếu, còn lại trong hầu hết thời gian mỗi cổ phiếu sẽ một câu chuyện và cách vận động riêng của nó. Thay vì có gắng dự đoán thị trường, chúng ta nên tập trung vào giá trị cốt lõi của doanh nghiệp và sẵn sàng tâm thế cho những điều xấu nhất có thể xảy ra.
Wiliam O’Neil cho rằng: “Ngồi nghe vô số các cây bút tin tức thị trường, các nhà phân tích kỹ thuật, các nhà chiến lược cà kê qua hơn 30 chỉ báo phân tích kỹ thuật hoặc kinh tế rồi sau đó nói cho bạn biết họ nghĩ thị trường sẽ vận hành như thế nào nhìn chung là một công việc lãng phí thời gian”
Thậm chí có phần gắt gỏng hơn, Pyter Luych nói: “kỹ năng cần có khi xem các chuyên gia dự đoán thị trường không phải là lắng nghe mà là ngáp” Ông cho rằng mọi người dễ bị gây nhiễu bởi một bể thông tin, việc cố gắng dư đoán thị trường chứng khoán là hoàn toàn vô ích.
Còn rất nhiều nhà đầu tư huyền thoại khác như Warren Buffett, Howard Marks, Benjamin Graham… đã nhiều lần tuyên bố rằng họ không đặt nhiều niềm tin vào dự báo kinh tế hoặc thị trường khi đầu tư. Tại sao chúng ta phải cố gắng làm một điều ngay cả những nhà đầu tư hàng đầu thế giới cũng không thể như vậy ?
Thị trường bị tác động bởi muôn vàn yếu tố bất định
Thị trường chứng khoán hoạt động dựa trên trong kỳ vọng tương lai của tất cả những người tham gia. Đó là nơi kết hợp quan điểm của hàng triệu người tham gia thị trường về các sự kiện kinh tế và chính trị mỗi giây trong ngày. Đó có thể là những sự kiện và thông tin về kinh tế vĩ mô trong nước đến nước ngoài, các chính sách của chính phủ, kết quả kinh doanh của các công ty, quan điểm của nhà đầu tư hay đơn giản chỉ là một dòng Tweet của tổng thống Mỹ Donald Trump.
Những yếu tố này hoàn toàn mang tính bất định là bản thân mỗi yếu tố này lại thay đổi theo những yếu tố khác. Thật nực cười khi những chỉ báo kỹ thuật lại có thể dự báo được Trump sẽ viết gì trên Tweet của mình, chính phủ sẽ ban hành chính sách gì trong thời gian tới. Đã từng có một giai thoại vui rằng, khi 7 công ty chứng khoán lớn nhất cùng dự báo thị trường hôm nay tích cực thì y như rằng ngày đó Vnindex đóng cửa với mức giảm điểm.
Có thể nói thị trường chứng khoán là một hệ thống vô cùng phức tạp và được điều khiển bởi cảm xúc của con người, góp phần rất lớn vào sự khó lường của nó. Việc có thể dự đoán thị trường chính xác vì vậy là một việc bất khả thi.
Càng dự đoán nhiều thì số lần mắc sai lầm của bạn càng tăng
Một nhà đầu tư nào đó đã từng nói “Trong đầu tư nếu đúng, bạn chỉ đúng một nữa”. Đầu tư là một quá trình lặp đi lặp lại và từ ngày này sang ngày khác và hoàn toàn không phải là cuộc chơi mà bạn chỉ cần đúng một lần là sẽ có tất cả.
Lấy một ví dụ dễ hiểu, giả sử rằng bạn dự đoán được thị trường chứng khoán sẽ lao dốc mạnh và bán hết được cổ phiếu trước đó. Điều cần làm tiếp theo là bạn phải dự đoán được khi nào thị trường bắt đầu hồi phục để có thể tham gia lại. Cho dù tiếp túc may mắn dự đoán đúng và bắt được con sóng hồi phục của thị trường, bạn phải cần thêm một lần đúng nữa để biết được khi nào thị trường đạt đỉnh để bán cổ phiếu ra.
Quá trình này cứ vậy lặp đi lặp lại. Nếu quá chú tâm vào việc dự đoán thị trường, bạn phải trả lời được những câu hỏi này liên tục mỗi ngày. Và trớ trêu thay, chi một sai lầm nhỏ thôi có thể khiến chúng ta trả giá đắt.
Năm 1929, thương vụ bán khống lịch sử vào “Ngày thứ ba đen tối” đã từng giúp Livermore kiếm được 100 triệu USD trong khi cả quốc gia Mỹ rơi vào hoảng loạn. Tuy nhiên sai lầm kì vọng quá sớm và mua cổ phiếu khi thị trường chưa thực sự chạm đáy vào năm 1930 – 1932 đã khiến ông mất toàn bộ số tiền kiếm được. Lịch sử thị trường đã từng chứng kiến vô vàn những bài học về việc dự đoán sai xu hướng của thị trường để rồi trả giá đắt. Việc của chúng là nên tránh lặp lại sai lầm của những người đi trước.
Làm sao để đầu tư chứng khoán mà không cần dự đoán thị trường
Nếu không thể dự đoán được thị trường thì cách tốt nhất là hãy giảm thiểu rủi ro khi tham gia vào thị trường chứng khoán. Dưới đây là một số nguyên tắc phổ biến có thể giúp nhà đầu xây dựng một được chiến lược đầu tư an toàn và chuẩn bị cho một tương lai không thể đoán trước.
Thị trường không dự đoán được, nhưng có thể đánh giá mức độ rủi ro được
Việc dự đoán VN-Index là bất khả thi nhưng việc đánh giá được mức độ rủi ro của thị trường là điều hoàn toàn có thể làm được để chúng ta có thể phân bổ tỷ trọng cổ phiếu một cách tối ưu. Phương pháp đơn giản nhất đó là sử dụng hệ số PE – thời gian thu hồi vốn trên 1 đồng đầu tư. Mặc dù mức PE hợp lý của thị trường sẽ bị ảnh hưởng và chi phối nhiều bởi yếu tố lãi suất và lợi nhuận trong tương lai của doanh nghiệp, song nguyên tắc bất di bất dịch đã được dữ liệu lịch sử kiểm chứng: PE trên 20 – thị trường đang bị định giá đắt và PE dưới 10 – cơ hội làm giàu “10 năm mới có 1 lần”. Nhìn chung mức giá hợp lý của thị trường sẽ vào khoảng mức 15 lần.