TA Và FA Có Phải Là Song Kiếm Hợp Bích?

Share this post on:

Trên đời có tỷ loại trường phái đầu tư khác nhau. Nào là đầu tư giá trị, đầu tư tăng trưởng, rồi lại đầu tư giá trị tăng trưởng, đầu tư theo đà tăng trưởng, đầu tư theo dòng tiền…Tuy nhiên công cụ để anh chị em chứng sĩ sử dụng cho các trường phái đầu tư trên chủ yếu xoay quanh 2 phương pháp chính là phân tích kỹ thuật (TA) và phân tích cơ bản (FA). Bởi vì dễ học và dễ áp dụng hơn, phân tích kỹ thuật là phương pháp được đông đảo nhà đầu tư sử dụng hơn hiện nay.  Ngược lại, phân tích cơ bản được đánh giá là khó hơn và cần phải mất nhiều thời gian nên ít người dành thời gian cho nó.

Mỗi phương pháp đều có những ưu điểm và nhược điểm khác nhau, và việc vận dụng được những ưu điểm của cả hai phương pháp này có thể đem đến những hiệu quả đầu tư tuyệt vời. Tuy nhiên, quan điểm cho rằng để đầu tư thành công thì bắt buộc sử dụng cả TA và FA mình cho rằng là một quan điểm chưa thực sự chính xác. Hay nói cách khác, nếu vận dụng một cách cứng nhắc, TA và FA không phải là song kiếm hợp bích, ngược lại có thể khiến nhà đầu tư tẩu hỏa nhập ma.

Sử dụng FA trong ngắn hạn là một trò đùa

Trước hết, mình muốn làm rõ ngắn hạn, trung hạn và dài hạn và dài hạn là gì. Thực sự thì hiện nay chẳng có quy chuẩn nào để phân biệt được các khoảng thời gian thời gian này, thậm chí ngắn hạn và dài hạn trong TA và FA cũng rất khác nhau. Đối với cá nhân mình, mình sẽ chia các khung thời gian như sau: ngắn hạn tính bằng ngày, trung hạn tính bằng tuần hoặc tháng và dài hạn thì tính bằng năm.

Benjamin Graham, cha đẻ của phương pháp đầu tư giá trị từng nói: “Trong ngắn hạn, thị trường là một chiếc máy bỏ phiếu lựa chọn giữa mua và bán, còn trong dài hạn, thị trường là một chiếc bàn cân để cân rõ trọng lượng của từng doanh nghiệp.” Câu này có nghĩa là: trong ngắn hạn, thị trường và cổ phiếu sẽ vận động theo tâm lý của đám đông, bất kể đó đó là cổ phiếu tốt hay cổ phiếu xấu. Chẳng ai có thể cân đo đong đếm được cơn điên của thị trường, những trường hợp cổ phiếu tăng trần rồi giảm sàn liên tục không phải là hiếm gặp trên thị trường. Đặc biệt là những cổ phiếu có thanh khoản cao, nơi mà đám đông sở hữu nhiều thì lại càng có những bước di chuyển giá kinh dị. Những sự biến động trong ngắn hạn, nhìn chung là yếu tố cơ bản không thể giải thích được.

Do vậy, thật khó hiểu khi chúng ta áp FA để “lướt” cổ phiếu và sau đó thắc mắc khi cổ phiếu mà chúng ta đánh giá tốt liên tục giảm trong ngắn hạn. Túm lại, nếu lướt lát trong ngắn hạn thì cứ TA mà “phang”, cổ phiếu lởm vẫn có thể kiếm được lợi nhuận nếu chúng ta mua và bán đúng thời điểm.

Ngược lại, TA không có tác dụng trong dài hạn

“Đệ tử“ của Graham, cụ Buffett lại có câu: “Nếu bạn không sẵn sàng sở hữu một cổ phiếu trong mười năm, thì đừng nghĩ đến việc sở hữu nó trong mười phút”. Trên thị trường rất ít nhà đầu tư dài hạn đích thực, những người sẵn sàng nắm giữ cổ phiếu trên 5 năm, 10 năm. Nhà đầu tư cá nhân lại càng ít, có chăng là những nhà đầu tư lớn, những nhà đầu tư tổ chức mới sẵn sàng nắm giữ cổ phiếu trong thời gian đó.

Điều mà một nhà đầu tư dài hạn quan tâm duy nhất chỉ là hai chữ: giá trị. Mua cổ phiếu dưới giá trị thực và chờ đợi thị trường trả cho chúng về đúng giá trị thực và đó là thời điểm để “thoát hàng”. Những người theo trường phái đầu tư dài hạn là những người có giấc ngủ ngon, vì họ biết rằng những biến động trong ngắn hạn của cổ phiếu chỉ là nhất thời. Thậm chí nếu cổ phiếu giảm sâu, đây lại là cơ hội tốt để họ gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục.

Trong đầu tư dài hạn, phân tích cơ bản lại càng phát huy được sức mạnh. Thông tin doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh, đội ngũ lãnh đạo, lợi thế cạnh tranh, môi trường kinh doanh ngành… được họ khai thác một cách triệt để. Chỉ khi nào các biến số này có sự thay đổi, nhà đầu tư dài hạn mới xem xét điều chỉnh vị thế của mình chứ không phải là vì gãy trend, dấu hiệu đảo chiều… gì đó theo phân tích kỹ thuật.

TA và FA kết hợp với nhau khi nào ?

Câu trả lời chính nằm ở yếu tố thời gian. Nếu bạn không có ý định lướt sóng cổ phiếu trong ngắn hạn, lại cũng không đủ kiên nhẫn để nắm giữ cổ phiếu trong nhiều năm thì TA và FA chính là môn võ song kiếm hợp bích mà bạn cần phải luyện thành nếu muốn hành tẩu giang hồ. Và nên nhớ, thời gian là một người bạn đồng hành của FA. Có nghĩa là nếu bạn có ý định nắm giữ cổ phiếu càng lâu, thì FA là trọng số mà bạn cần quan tâm hàng đầu. Ngược lại, thời gian nắm giữ cổ phiếu của bạn càng ngắn, thì phân tích kỹ thuật là yếu tố cần được ưu tiên hơn.

 

Thông thường có hai chiến lược sau có thể áp dụng cả TA và FA 

(1) Lựa chọn cổ phiếu theo TA, hay mọi người thường nói là tìm những cổ phiếu có ‘’tiền vào’’. Đây là những cổ phiếu có sự gia tăng cả về giá và khối lượng và tín hiệu theo phân tích kỹ thuật có thể là brake out, vượt mây, mở band, vượt đỉnh… Sau đó, tìm hiểu yếu tố FA xem cổ phiếu có câu chuyện nào hấp dẫn hay không rồi mới thực sự tham gia. Chiến lược này có ưu điểm là không bị ‘’nhỡ sóng’’ của thị trường, tức là rất nhạy đối với những cổ phiếu có sóng. Tuy nhiên nhược điểm là do những cổ phiếu có điểm mua theo TA sẽ xuất hiện một cách thường xuyên, do đó để lựa chọn đúng mặt gửi vàng là điều khá khó khăn

(2) Ngược lại với cách 1: lựa chọn cổ phiếu có câu chuyện theo FA, sau đó tìm kiếm điểm vào theo TA. Đây là cách mà mình hay sử dụng, ưu điểm là chúng ta có thời gian chuẩn bị điểm vào lâu hơn sau khi đã lựa chọn được danh sách các cổ phiếu cho danh mục theo dõi của mình. Nhược điểm của phương pháp này là chi phí thời gian để chờ điểm mua cổ phiếu có thể là rất lâu, hay thị trường phải mất lâu mới có thể nhìn ra cơ hội đầu tư này như mình.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat Zalo

0905477112

error: liên hệ 0905477112