Phí Giao dịch (Hay còn gọi là Phí Môi giới Chứng khoán) và Cách tính
Khái niệm: Phí Giao dịch (Hay Phí Môi giới Chứng khoán) là phí mà bạn phải trả khi bạn mua bán chứng khoán thành công. Phí này do Công ty Chứng khoán thu của khách trên cơ sở cung cấp dịch vụ giúp khách hàng có thể Mua Bán Chứng khoán thành công qua Công ty mình. Cho nên đôi khi Phí này còn gọi là Phí Môi giới Chứng khoán. Loại phí này được thu trên cơ sở % Giá trị Mua bán trong ngày của khách hàng. Và trong thực tế thì trong tất cả các loại Phí Thuế Chứng khoán với nhà đầu tư thì loại Phí này cũng là chiếm chủ đạo của người tham gia.
Ví dụ: Một khách hàng trong ngày có đặt mua 1 lệnh duy nhất là lệnh mua 1000 cổ phiếu VND – Công ty chứng khoán VND với mức giá mua thành công là 18.000 đồng / cổ phiếu thì Tổng giá trị mua của khách hàng này trong 1.000 cổ phiếu x 18.000 đồng / cổ phiếu = 18 triệu đồng. Giả sử mức phí mà khách hàng này phải chịu ở Công ty Chứng khoán A nào đó là 0,25% thì Phí giao dịch phải trả là: 18.000.000 x 0,25% = 45.000 đồng.
Mức phí: Theo quy định của Luật thì các Công ty Chứng khoán không được phép thu quá 0,5% giá trị 1 lần giao dịch và không quy định tối thiểu. Ví dụ cũng với Lệnh giao dịch thành công mua VND nói trên thì Phí Giao dịch tối đa được phép thu sẽ là: 18.000.000 đồng x 0,5% = 90.000 đồng (Khá cao). Thực tế là không có 1 Công ty Chứng khoán nào áp mức này cả. Thông thường thì vùng phí hiện nay đang nằm ở trung vùng từ 0,15% – 0,35% tùy Chính sách của mỗi Công ty Chứng khoán, tùy Giá trị Giao dịch 1 ngày của từng khách, Vị thế của khách hàng (Khách lớn nhiều tiền VIP thì Phí thấp), … Thông thường thì các Công ty Chứng khoán lâu đời thì Phí thường sẽ cao hơn hẳn các Công ty Chứng khoán mới gia nhập thị trường (Do đã có đã có thị trường đủ lớn và úy tín cao nên không cần hạ phí để lấy thêm khách mới).
Phí giao dịch sẽ tính đầu mua và bán riêng: Tức là nếu bạn làm 1 vòng mua xong rồi bán ra thì bạn phải chịu chi phí cả 2 đầu, chứ không phải chỉ duy nhất 1 lần.
Phí giao dịch luôn được tạm trừ khi đặt lệnh và chỉ thu khi khớp lệnh: Ngay khi bạn đặt lệnh thì mức phí sẽ được tạm khấu trừ ngay lập tức, trường hợp hết ngày lệnh đặt đó của bạn không khớp thì Công ty Chứng khoán sẽ hoàn lại mức phí họ đã tạm khấu trừ của bạn. Công ty Chứng khoán chỉ được phép thu phí khi lệnh giao dịch đã thực hiện thành công. Trường hợp Lệnh đó chưa khớp, bạn có thể Hủy lệnh đó thì cả Phí và Giá trị Lệnh đặt sẽ được hoàn lại ngay để bạn thực hiện Đặt lệnh Mua khác hoặc Rút tiền về.
Mức phí và sự tạm tính: Ngay trong một Công ty Chứng khoán cũng tồn tại nhiều mức phí khác nhau, chứ không phải mỗi Công ty chỉ có duy nhất 1 mức phí.
Cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán và cách đặt phí: đây chính là Giá của Dịch vụ nên có tính nhạy cảm cao và cũng là mũi nhọn cạnh tranh giữa các Công ty Chứng khoán hiện nay. Theo ghi nhận thì Mức Phí Giao dịch giữa các Công ty Chứng khoán đang có chênh lệch rất lớn nên ở phần này trước khi chọn Mở tại Công ty Chứng khoán nào thì cần cân nhắc kỹ. Mức Phí Giao dịch Chứng khoán hiện nay được nhiều Công ty Chứng khoán chia ra làm 2 loại: Mức phí có Môi giới Hỗ trợ (Thường cao hơn) và Mức phí Tự Giao dịch. Một số Công ty Chứng khoán kể cả các Công ty Chứng khoán lớn như MAS, SSI lại không có 2 Chế độ như trên mà toàn bộ là có Môi giới Hỗ trợ, tuy nhiên mức phí lại ưu đãi và cạnh tranh hơn.
Ngoài ra, nếu bạn có Vốn Đầu tư > 5 tỷ đồng thì ở bất kỳ Công ty Chứng khoán nào bạn cũng được xem là Khách VIP, khi đó bạn sẽ được áp mức Phí thấp rất cạnh tranh là 0,15%. Trường hợp này, bạn có thể Đề nghị Môi giới xem lại Mức Phí ngay khi Tài khoản Chứng khoán của bạn đạt mức đó.
Như hình ở trên thì Mirae Asset – MAS lại khác với một số công ty chứng khoán khác ở chỗ, họ chỉ áp mức phí mặc định là 0,15% cho tất cả các giao dịch Online khách tự mua bán qua App Mobile, Website hay Phần mềm Máy tính của Công ty. Lưu ý rằng là việc Giao dịch này vẫn có sự Hỗ trợ Tư vấn của Nhân viên Môi giới. Đây được xem là mức Phí cạnh tranh nhất hiện nay của 1 Công ty Chứng khoán lớn trong Top 5.
Phí của Sở giao dịch chứng khoán: Thu một cách gián tiếp thông qua Công ty Chứng khoán là 0,03%. Tức là nếu như mình mua bán với mức phí là 0,15% của MAS ngay hôm đó thì mức phí mà MAS – Công ty Chứng khoán Mirae Asset thực thu được (Gọi là Phí ròng) chỉ là 0,12%, còn 0,03% thì phải chuyển lại cho Sở. Mặc định là 0,03% dù có là bất cứ công ty chứng khoán nào.
Phí lưu ký chứng khoán
Phí lưu ký được tính theo những quy định của Thông tư 127/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 27/12/2018. Phí này được chia làm 2 loại:
- Phí lưu ký trái phiếu: 0.2đ/trái phiếu/tháng
- Phí lưu ký cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền: 0.27đ/cổ phiếu/tháng
Đây là loại Phí đánh vào việc nắm giữa lâu dài các Chứng khoán. Nhìn chung mức Phí này rất nhỏ.
Lưu ý rằng phí lưu ký chứng khoán chỉ bắt đầu được tính từ ngày bạn bắt đầu sở hữu thực sự chứng khoán theo quy định chu kỳ thanh toán T+2. Trên cơ sở đó, ngày bắt đầu tính phí lưu ký sẽ có độ trễ là 2 ngày và ngày lễ cũng được tính phí.
Thuế thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán
Theo quy đinh mới nhất thì từ ngày 01/01/2015 Phần Thuế liên quan tới việc Chuyển nhượng Chứng khoán chỉ có duy nhất 1 mức thuế chung là 0,1%. Và mức thuế này sẽ chỉ đánh vào Người bán ra, còn Người mua sẽ không phải chịu. Tức là 1 vòng Mua Bán thì sẽ có thêm đầu bán phải chịu thêm thuế 0,1%.
Thuế Cổ tức tiền Mặt – 5%
Như đúng tên gọi của nó đây là loại Thuế đánh vào toàn bộ các cổ đông được nhận cổ tức tiền mặt được trả từ các Công ty. Cách thu thuế của Cục thuế cũng khá đơn giản, chỉ cho phép Công ty Niêm yết thực trả cho cổ đông 95%, còn 5% họ thu ngay từ đầu Công ty Niêm yết.